13 doanh nghiệp thiết kế vi mạch đã "đặt chân" tới Đà Nẵng
Trong năm 2024, có thêm 5 công ty thiết kế vi mạch đã đầu tư tại Đà Nẵng và nâng tổng số doanh nghiệp thiết kế vi mạch tại thành phố này lên con số 13...
Trong năm vừa qua, điểm đáng chú ý trong cơ chế, chính sách phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng phải kể đến 3 Nghị quyết về chính sách phát triển nguồn nhân lực; về xác nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; về quản lý, khai thác, vận hành và hỗ trợ tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đã được thông qua.
Điều này không chỉ cụ thể hóa Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại địa phương
Sau nhiều nỗ lực xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của ngành, đến nay, Đà Nẵng đã có 4 trường đại học chính thức mở ngành đào tạo kỹ sư vi mạch và tuyển sinh với gần 300 chỉ tiêu, mở 3 lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên tốt nghiệp ngành gần kỹ sư vi mạch sang thiết kế vi mạch cho 41 sinh viên và 59 giảng viên.
Năm vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức bồi dưỡng cho 17 giảng viên thông qua tham gia chương trình đóng gói kiểm thử của Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức, phối hợp Tập đoàn NVIDIA cấp chứng nhận đại sứ trí tuệ nhân tạo cho 7 giảng viên của các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng
Thời gian tới đây, Uỷ ban nhân dân thành phố cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn của thành phố.
Đà Nẵng hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ trở thành 1 trong 3 trung tâm vi mạch, bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch, bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn. Trong đó, Đà Nẵng tập trung, tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn.
2024: 5 CÔNG TY VI MẠCH TỚI ĐÀ NẴNG
Đến thời điểm cuối năm 2024, các doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell, Renesas đã có mặt tại Đà Nẵng. Các tập đoàn lớn như Nvidia, Qualcomm, Intel, Mediatek... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và dự kiến có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố.
Tập đoàn Foxlink, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Đặc biệt, trong năm 2024, năm công ty thiết kế vi mạch đã đầu tư tại Đà Nẵng nâng tổng số doanh nghiệp thiết kế vi mạch lên con số là 13 đơn vị.
Liên tục trong hai năm 2023 và 2024, Đà Nẵng đã có 04 Công ty khởi nghiệp lọt vào top 10 khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo do tập đoàn Qualcomm tổ chức như: XB Link, Alpha Asimov Robotics, Vox Cool, Delta X. Trung tâm DSAC cũng vinh dự được nhận giải thưởng Top 15 Đổi mới sáng tạo Việt Nam về thành tích hỗ trợ phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Ngày 26/1/2024, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) Đà Nẵng, trung tâm đầu tiên của cả nước về hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế tiên phong của Đà Nẵng trong chiến lược phát triển ngành công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố được xác định sẽ phát triển trong hai giai đoạn:
Giai đoạn 2024-2027, tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, chuẩn bị nguồn lực phát triển giai đoạn sau.
Giai đoạn 2027-2030, ưu tiên phát triển doanh nghiệp nội địa và khởi nghiệp, cùng thu hút đầu tư thiết kế vi mạch bán dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.
Trong năm 2025, thành phố sẽ đầu tư và đưa vào sử dụng 3 phòng thí nghiệm (lab), trong đó 2 lab đào tạo thiết kế vi mạch, 1 lab đào tạo trí tuệ nhân tạo trong Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2; triển khai đầu tư hoàn thiện giai đoạn 2 Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 để đưa vào sử dụng tòa nhà ICT2, ICT3.
Post a Comment