Kinh tế Việt Nam 'đánh bại' mọi dự báo
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 7%, vượt mọi dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 vượt mọi dự báo của quốc tế. Ảnh: Quỳnh danh |
Vượt mọi dự báo
Đáng chú ý, với mức tăng trưởng trên 7% năm nay, nền kinh tế Việt Nam đã "đánh bại" mọi dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế trước đó.
Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lần lượt dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam ở mức 5,8% và 5,5%. Tuy nhiên, sau kết quả tăng trưởng tích cực mà nền kinh tế đạt được 3 quý đầu năm, cả 2 tổ chức tài chính quốc tế này đều đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,1%. Trong khi đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 ở mức 6% như nhận định đưa ra trong tháng 4.
Có góc nhìn tích cực hơn, nhưng nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn cũng chỉ đưa dự báo tăng trưởng cả năm của nền kinh tế Việt Nam quanh mức 6%, bao gồm HSBC và UOB, trước khi nâng dự báo lên mức 6,5-6,6% sau những kết quả tích cực đạt được ở quý III và 9 tháng.
Tuy nhiên, với đà phục hồi mạnh mẽ từ các yếu tố nội tại và tác động từ các chính sách vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7%, là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Trong báo cáo tổng kết năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định nền kinh tế nước ta đã có một năm tăng trưởng ấn tượng, không chỉ phản ánh sự ổn định của nền kinh tế mà còn cho thấy khả năng chống chọi của Việt Nam trước những biến động toàn cầu.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 cả nước ước đạt 782,33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Cả nước ghi nhận xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD. Đặc biệt, các mặt hàng điện tử và máy móc thiết bị, vốn là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh xuất khẩu, gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng tiếp tục tăng cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến cuối tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 31,4 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Việc Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI minh chứng bằng việc các nhà đầu tư lớn như Samsung, Foxconn và Intel tiếp tục mở rộng các nhà máy và cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Mới nhất, Chính phủ và Tập đoàn Nvidia đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Quy mô nền kinh tế vượt 500 tỷ USD vào 2025
Sau kết quả ấn tượng năm 2024, các chuyên gia quốc tế và lãnh đạo Việt Nam đều lạc quan về khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.
Post a Comment